• Trang chủ
  • Làm gì khi nhãn hiệu bị người khác đăng ký?

Làm gì khi nhãn hiệu bị người khác đăng ký?

Câu hỏi: Nhãn hiệu của một sản phẩm bất kỳ chứa đựng tâm huyết, giá trị cốt lõi nhất. Vậy, trong một số trường hợp khi phát triển sản phẩm, dịch vụ nhưng lại bị người khác đăng ký trước nhãn hiệu thì phải làm gì? Xin cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến ABIM LAW, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Xét về điều kiện đối với nhãn hiệu bảo hộ, tại điều 72 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau:

“Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
  2. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.”

Trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cần dựa trên nguyên tắc ưu tiên theo quy định tại điều 91 Luật sở hữu trí tuệ 2005 như sau:

“Điều 91. Nguyên tắc ưu tiên

1. Người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên hoặc có thoả thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam;

b) Người nộp đơn là công dân Việt Nam, công dân của nước khác quy định tại điểm a khoản này cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước khác quy định tại điểm a khoản này;

c) Trong đơn có nêu rõ yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

d) Đơn được nộp trong thời hạn ấn định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Trong một đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu, người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn.

3. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên có ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên. »

Như vậy, để một nhãn hiệu được xác định khi nhãn là duy nhất và có khả năng phân biệt với các nhãn hiệu khác trong cùng lĩnh vực hàng hoá dịch vụ. Tuy nhiên, theo nguyên tắc ưu tiên thì ai nộp trước thì được cấp trước, vậy đối với câu hỏi của bạn các trường hợp nhãn hiệu bị người khác đăng ký trước thì phải làm sao? Chúng tôi chia thành hai trường hợp như sau:

Đối với các nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng

Trong quá trình đăng ký sở hữu công nghiệp nói riêng và đăng ký nhãn hiệu nói chung sẽ có quá trình giải quyết ý kiến của người thứ ba liên quan tới nhãn hiệu hay còn gọi là phản đối cấp văn bằng. Theo đó, trong trường hợp có cơ sở sử dụng trước và được thừa nhận của nhãn hiệu theo quy định tại điểm g khoản 2 điều 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005:

 “g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;

thì người sử dụng nhãn hiệu có quyền nộp đơn yêu cầu phản đối cấp đăng ký nhãn hiệu của người nộp đơn đã nộp trước. Trường hợp này chủ đơn phản đối phải chứng minh được một số vấn đề như:

  • Thời gian sử dụng liên tục của nhãn hiệu
  • Số lượng người biết  và thừa nhận nhãn hiệu…

Đối với các nhãn hiệu đã được cấp văn bằng

Theo điểm d khoản 1 điều 95 Luật sở hữu trí tuệ 2005:

“Điều 95. Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ

1. Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

 a) Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;

 b) Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;

 c) Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;

 d) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;

đ) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;

e) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

g) Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó.

 …

 4. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với các trường hợp quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.

Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.

…”

Như vậy Văn bằng bảo hộ có thể chấm dứt trong trường hợp nêu trên và Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Ngoài các trường hợp trên, người sử dụng có thể thoả thuận với chủ sở hữu (hoặc chủ đơn đăng ký) nhãn hiệu để thực hiện việc chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu theo quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn của ABIM LAW về vấn đề Làm gì khi nhãn hiệu bị người khác đăng ký? Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý quý khách vui lòng liên hệ qua hotline: 0988.44.6896 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.