• Trang chủ
  • Quy định của pháp luật về Nhãn hiệu nổi tiếng

Quy định của pháp luật về Nhãn hiệu nổi tiếng

Trong điều kiện kinh tế hiện nay, nhãn hiệu ngày càng đóng một vai trò quan trọng. Bên cạnh vai trò chính là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các nhà sản xuất trên thị trường, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ thì nhãn hiệu nổi tiếng còn có các vai trò khác như thu hút thị hiếu người tiêu dùng, là một biểu tượng cho hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp, là yếu tố quyết định tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Sau đây ABIM LAW đưa ra các quy định của pháp luật về nhãn hiệu nổi tiếng như sau:

Căn cứ pháp lí
  • Luật sở hữu trí tuệ 2005;
  • Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009.
Khái niệm

Theo khoản 20 Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009, nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Ví dụ: Honda, Cocacola, Samsung, Iphone…là các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới và được nhiều người biết đến.

Đặc điểm chính của nhãn hiệu nổi tiếng
  • Là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến như một nhãn hiệu tiêu biểu cho loại hàng hoá, dịch vụ của nhãn hiệu đó;
  • Là nhãn hiệu được biết đến rộng rãi ở Việt Nam và cả trên toàn thế giới;
  • Có giá trị lớn về mặt kinh tế, nhãn hiệu nổi tiếng thường trở thành thương hiệu của công ty, doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu đó;
  • Là đối tượng dễ bị sử dụng trái phép.
Tiêu chí công nhận nhãn hiệu nổi tiếng
  • Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
  • Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
  • Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
  • Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
  • Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
  • Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
  • Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
  • Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
Lưu ý khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu

Do nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ mà không cần đăng ký do vậy các dấu hiệu trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng có thể không được bảo hộ theo quy định tại luật sỡ hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):

Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc trường hợp sau:

Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.

Trên đây là nội dung tư vấn của ABIM LAW về vấn đề Quy định của pháp luật về Nhãn hiệu nổi tiếng? Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý quý khách vui lòng liên hệ qua hotline: 0988.44.6896 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.