• Trang chủ
  • Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh khi khởi nghiệp?

Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh khi khởi nghiệp?

Khi bắt đầu muốn khởi sự hoạt động kinh doanh, rất nhiều người không biết nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh vì chưa hiểu rõ cụ thể về các loại hình này? Ưu, nhược điểm của các loại hình này ra sao? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của ABIM LAW để lựa chọn chính xác nhất loại hình phù hợp với mong muốn, định hướng phát triển kinh doanh trong tương lai.

Những khác biệt cơ bản về công ty và hộ kinh doanh:

Về quy mô

Công ty có quy mô nhân sự và kinh doanh lớn hơn so với hộ kinh doanh. Công ty dễ dàng huy động vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc mở thêm các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Hộ kinh doanh quy mô nhỏ lẻ hơn, chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh, có thể hoạt động thêm tại các địa điểm khác nhưng phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường. Không có khả năng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu hay cổ phiếu.

Về việc xuất hóa đơn VAT

Chỉ có công ty được xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho khách hàng. Hộ kinh doanh không được xuất hóa đơn VAT. Vì đặc điểm này nên khả năng tiếp cận khách hàng của Hộ kinh doanh có phần hạn chế hơn so với công ty.

Về chế độ kế toán

Vì Công ty có quy mô lớn hơn nên chế độ quản lý, kế toán thuế phức tạp hơn hộ kinh doanh. Công ty cần thuê kế toán hoặc sử dụng dịch vụ kế toán để tiến hành kê khai, báo cáo thuế định kỳ theo quy định của pháp luật.

Còn hộ kinh doanh không nhất thiết phải thuê kế toán vì chỉ cần đóng thuế khoán hàng tháng cho Cơ quan thuế mà không cần thực hiện nghiệp vụ báo cáo thuế điện tử định kỳ như của Công ty.

Về các loại thuế

Thuế môn bài: Công ty đóng từ 2-3 triệu/năm. Hộ kinh doanh đóng từ 0.3-1 triệu/năm.

Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Công ty: Công ty nộp thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận và mức thuế suất là 20%.

Thuế Giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với Hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng dựa trên doanh thu và mức thuế suất chỉ từ 0,5 – 7% tùy từng ngành hàng.

Về phương thức tính thuế
Công ty: Tính thuế dựa trên lợi nhuận

Lợi nhuận là sau khi lấy doanh thu trừ đi toàn bộ chi phí, nếu lợi nhuận dương thì mới phải nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp. Còn nếu công ty lỗ thì không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ví dụ: Công ty có doanh thu là 1 tỷ 1 năm trong đó tiền thuê nhân viên, tiền thuê trụ sở, tiền nhập hàng, tiền quảng cáo hết 800 triệu. Công ty có lợi nhuận là 200 triệu sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trên 200 triệu.

Hộ kinh doanh: Tính thuế dựa trên doanh thu

Ví dụ: Hộ kinh doanh 1 tỷ 1 năm trong đó chi phí cũng hết 800 triệu. Tuy nhiên, hộ kinh doanh phải nộp thuế trên 1 tỷ là trên doanh thu chứ không phải trên lợi nhuận như của công ty và mức thuế suất sẽ là 0,5 – 7%  tùy từng ngành hàng. Như quán cà phê – nhà hàng 4,5%; Salon tóc 7%; Quán tạp hóa 1,5%;…

Về khả năng tạo sự tin tưởng

Đối với việc ký kết các hợp đồng lớn thì thường công ty sẽ tạo được sự tin tưởng bởi ngoài chữ ký của người đứng đầu thì còn có dấu tròn của công ty.

Hộ kinh doanh không có con dấu nên khi ký hợp đồng chỉ có chữ ký của người đứng đầu.

Về người đứng đầu

Một người có thể thành lập nhiều công ty cùng lúc. Có thể đứng đại diện cho nhiều công ty.

Còn đối với hộ kinh doanh thì một người chỉ được thành lập và đứng đầu 01 hộ kinh doanh.

Về trách nhiệm đối với tài sản

Công ty chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã đăng ký (trách nhiệm hữu hạn). Ví dụ, các thành viên góp 1tỷ thì chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi 1 tỷ.

Hộ kinh doanh chịu trách nhiệm với toàn bộ tài sản của chủ hộ kinh doanh. Ví dụ, chủ hộ đăng ký vốn 1 tỷ nhưng mà toàn bộ tài sản của chủ hộ có 2 tỷ thì chủ hộ phải chịu trách nhiệm với toàn bộ tài sản của chủ hộ là 2 tỷ.

Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh?

Nếu kinh doanh nhỏ lẻ, bộ máy đơn giản dễ quản lý, không cần phải thuê kế toán và không mở rộng hoạt động kinh doanh quá nhiều nơi thì có thể lựa chọn thành lập hộ kinh doanh. Ví dụ như các tiệm nail, quán cà phê, cửa hàng ăn uống nhỏ, quán tạp hóa, phòng khám,…

Nếu kinh doanh quy mô lớn hơn, cần phải xuất hóa đơn VAT cho đối tác, khách hàng; Chi phí vận hành cao, vốn nhập hàng hóa lớn; dự kiến mở rộng hoạt động ra nhiều địa điểm thì nên lựa chọn thành lập công ty. Ngoài ra, một số ngành nghề không thể lập hộ kinh doanh mà bắt buộc phải lập công ty như hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh bất động sản,…

Trên đây là phân tích nên lựa chọn thành lập công ty hay hộ kinh doanh khi khởi nghiệp, ABIM LAW rất hân hạnh được tư vấn, hỗ trợ và đồng hành cùng quý khách hàng ngay giai đoạn đầu, trong và suốt quá trình hoạt động kinh doanh . Mọi yêu cầu tư vấn xin liên hệ Hotline: 0988.44.6896 để được hỗ trợ nhanh nhất.