- Trang chủ
- Cách tính thuế TNCN 2021 mới nhất từ tiền lương tiền công
Cách tính thuế TNCN 2021 mới nhất từ tiền lương tiền công
Cách tính thuế thu nhập cá nhân 2021có gì khác so với những năm trước? Dưới đây ABIM LAW sẽ giúp người lao động biết được khi nào phải nộp thuế, số thuế chính xác phải nộp và Cách tính thuế TNCN 2021 mới nhất từ tiền lương tiền công như thế nào?
1.Căn cứ pháp lí
Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 06 năm 2013;
Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ngày 02 tháng 06 năm 2020.
2. Căn cứ, mức tiền lương phải nộp thuếCăn cứ tính thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất.
Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản giảm trừ sau:
– Các khoản giảm trừ gia cảnh.
– Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện.
– Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
3. Mức tiền lương phải nộp thuế
Người nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú. Tuy nhiên, không phải tất cả cá nhân đều phải nộp thuế, mà chỉ người có thu nhập tính thuế mới phải nộp thuế.
Hay nói cách khác, chỉ khi có thu nhập tính thuế > 0 thì mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
4. Công thức và các bước tính thuế thu nhập cá nhân
4. Công thức tính thuế thu nhập cá nhân
Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo công thức sau:
(1) Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
(2) Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
Thu nhập chịu thuế được tính như sau:
(3) Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn
5. Các bước tính thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ vào công thức tính thuế trên, để tính được số thuế phải nộp hãy thực hiện theo các bước sau:
Bước 1. Xác định tổng thu nhập chịu thuế
Bước 2. Tính các khoản được miễn
Bước 3. Tính thu nhập chịu thuế theo công thức
Bước 4. Tính các khoản được giảm trừ
Bước 5. Tính thu nhập tính thuế theo công thức
Bước 6. Tính số thuế phải nộp theo công thức.
Sau khi tính được thu nhập tính thuế, để xác định được số thuế phải nộp (bước 6) đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công thì người nộp thuế áp dụng phương pháp tính thuế sau theo đúng đối tượng.
Lưu ý:
Thu nhập chịu thuế là các khoản thu nhập có thể từ tiền lương, tiền công, chuyển nhượng vốn, bất động sản, bản quyền, thừa kế, quà tặng…tất cả các khoản này đều được gọi là thu nhập chịu thuế, tuy nhiên chúng ta sẽ không lấy thu nhập này để nhân với thuế suất thuế TNCN mà sẽ lấy thu nhập tính thuế
Thu nhập tính thuế là gì? Hiểu đơn giản, thu nhập tính thuế sẽ bằng thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ bao gồm: giảm trừ gia cảnh (11 triệu), giảm trừ người phụ thuộc (4,4 triệu) và các khoản giảm trừ khác (khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện…)
6. Phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân
Hiện nay có 02 cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công cụ thể:
- Tính theo biểu lũy tiến từng phần;
- Tính theo Phương pháp tính thuế rút gọn.
* Thuế suất biểu lũy tiến từng phần
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) | Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 05 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 05 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
* Phương pháp tính thuế rút gọn
Để thuận tiện cho việc tính toán, có thể áp dụng phương pháp tính rút gọn theo phụ lục số 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
Bậc | Thu nhập tính thuế/tháng | Thuế suất | Tính số thuế phải nộp | |
Cách 1 | Cách 2 | |||
1 | Đến 05 triệu đồng (trđ) | 5% | 0 trđ + 5% TNTT (thu nhập tính thuế) | 5% TNTT |
2 | Trên 05 trđ đến 10 trđ | 10% | 0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ | 10% TNTT – 0,25 trđ |
3 | Trên 10 trđ đến 18 trđ | 15% | 0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ | 15% TNTT – 0,75 trđ |
4 | Trên 18 trđ đến 32 trđ | 20% | 1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ | 20% TNTT – 1,65 trđ |
5 | Trên 32 trđ đến 52 trđ | 25% | 4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ | 25% TNTT – 3,25 trđ |
6 | Trên 52 trđ đến 80 trđ | 30% | 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ | 30 % TNTT – 5,85 trđ |
7 | Trên 80 trđ | 35% | 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ | 35% TNTT – 9,85 trđ |
VÍ DỤ:
Ông A nhận lương tháng 10/2020 là 40 triệu đồng (khi nhận lương từ công ty ông A đã được công ty trích đóng tiền bảo hiểm bắt buộc – nên không phải trừ khi tính thu nhập tính thuế nữa). Ông A có 02 người phụ thuộc, trong tháng ông A không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Thuế thu nhập cá nhân tạm nộp trong tháng của ông A được tính như sau:
– Thu nhập chịu thuế của ông A là 40 triệu đồng.
– Ông A được giảm trừ các khoản sau:
+ Giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 11 triệu đồng
+ Giảm trừ gia cảnh cho 02 người phụ thuộc (2 con): 4.4 triệu đồng × 2 = 8.8 triệu đồng
Tổng cộng các khoản được giảm trừ là: 11 triệu đồng + 8.8 triệu đồng = 19.8 triệu đồng.
– Thu nhập tính thuế của ông A là: 40 triệu đồng – 19.8 triệu đồng = 20.2 triệu đồng
TÍNH SỐ THUẾ PHẢI NỘP:
Cách 1: Số thuế phải nộp tính theo từng bậc của biểu lũy tiến từng phần
+ Bậc 1: Thu nhập tính thuế đến 05 triệu đồng, thuế suất 5%:
05 triệu đồng × 5% = 0.25 triệu đồng
+ Bậc 2: Thu nhập tính thuế trên 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%:
(10 triệu đồng – 05 triệu đồng) × 10% = 0.5 triệu đồng
+ Bậc 3: Thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%:
(18 triệu đồng – 10 triệu đồng) × 15% = 1.2 triệu đồng
+ Bậc 4: Thu nhập tính thuế trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng, thuế suất 20%:
(20.2 triệu đồng – 18 triệu đồng) × 20% = 0.44 triệu đồng
– Tổng số thuế ông A phải tạm nộp trong tháng là:
0.25 + 0.5 + 1.2 + 0.44 = 2.39 triệu đồng
Cách 2: Số thuế phải nộp tính theo phương pháp rút gọn
Căn cứ phụ lục số 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập tính thuế trong tháng 20.2 triệu đồng là thu nhập tính thuế thuộc bậc 4. Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp như sau:
20.2 triệu đồng × 20% – 1.65 triệu đồng = 2.39 triệu đồng.
Trên đây là tư vấn của ABIM LAW về cách tính thuế TNCN 2021 mới nhất từ tiền lương, tiền công. Nếu cần tư vấn chuyên sâu hơn hoặc có nhu cầu về các thủ tục về thuế. Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 0988.44.6896